Việc giá quặng giảm sâu trong thời gian dài là “rào cản” lớn trong việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) khai thác quặng, trong đó có Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM).
Rào cản lớn từ giá bán
Theo ông Bùi Thanh Bình - Tổng giám đốc VTM, từ năm 2014 đến nay giá bán quặng sắt trên thế giới cũng như trong nước có xu hướng giảm mạnh. Giá bán đầu năm và cuối năm có sự khác biệt rất lớn, cụ thể, đầu năm 2014 giá quặng sắt giao dịch khoảng 130 USD/tấn, đến cuối năm còn dưới 70 USD/tấn, giảm gần 50% so với giá bán đầu năm. Không dừng lại ở đó, bước sang năm 2015 giá quặng sắt vẫn liên tục giảm, và đạt mức thấp kỷ lục với 48 USD/tấn vào tháng 4/2015.
Việc giá quặng giảm sâu trong thời gian dài là “rào cản” lớn trong việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) khai thác quặng, trong đó VTM là DN ảnh hưởng lớn nhất, bởi VTM được nhà nước cấp phép khai thác mỏ quặng sắt Quý Xa, Lào Cai phục vụ cho sản xuất của Nhà máy Gang thép Lào Cai. Trong đó một phần quặng khai thác được phép xuất khẩu cho Công ty Cổ phần gang thép Côn Minh (Trung Quốc) để đối lưu than luyện cốc và cốc luyện kim về Việt Nam phục vụ cho sản xuất của VTM, với khoảng 1.500.000 tấn/năm. Một phần cung cấp cho Công ty Gang thép Thái Nguyên sử dụng cho sản xuất giai đoạn 2 mở rộng. Tuy nhiên, đến nay nhà máy mở rộng giai đoạn 2 của gang thép Thái Nguyên vẫn chưa đi vào sản xuất, khiến cho lượng quặng của VTM đang tồn đọng, song hàng năm công ty vẫn phải gánh thuế, phí khai thác tài nguyên theo quy định.
Đặc biệt, Nhà máy Gang thép Lào Cai của VTM mới đi vào sản xuất, rơi vào đúng thời kỳ thị trường khó khăn nhất. Nên, VTM xác định, ngoài mức tiêu thụ quặng sắt theo hợp đồng liên doanh để nhập đối lưu than cốc cho nhà máy, số quặng còn lại được xuất bán cho các đơn vị trong nước, với mục đích giảm áp lực về vốn vay cho sản xuất của VTM, một phần bù hiệu quả sản xuất của Nhà máy Gang thép Lào Cai.
Song, mục tiêu đó khó thành hiện thực đối với VTM khi thực hiện chủ trương của Chính phủ hạn chế xuất khẩu quặng sắt, trong đó có quy định về việc cấm xuất khẩu quặng sắt để dành cho việc chế biến sâu trong nước, nên đã dừng, chưa cấp quota cho VTM xuất khẩu quặng sắt Quý Xa để đối lưu than cốc từ năm 2012 đến nay. Do đó, VTM phải vay vốn ngắn hạn từ ngân hàng để mua than cốc phục vụ nhu cầu sản xuất của Nhà máy gang thép Lào Cai, gây rất nhiều khó khăn đến tình hình tài chính của VTM.
Giải pháp chưa mấy tác dụng
Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của VTM, Chính phủ đã tạo điều kiện, cho phép VTM ký hợp đồng tiêu thụ nội địa với khối lượng khoảng 1 triệu tấn quặng sắt (ở độ ẩm tự nhiên), với giá bán trung bình khoảng 500.000 đồng/tấn. Nhưng do tác động lớn của thị trường, giá bán quặng sắt liên tục giảm sâu, nên trong năm 2014 VTM mới giao nhận cho các đơn vị mua hàng được khoảng 100.000 tấn, đạt 10% hợp đồng ký kết.
Với hy vọng, bước sang năm 2015 thị trường quặng giao dịch sẽ có những chuyển biến tích cực, giúp cho sản lượng quặng của VTM tiêu thụ đạt theo hợp đồng ký kết. Tuy nhiên, tính đến hết 6 tháng đầu năm nay VTM mới giao nhận được khoảng 35.000 tấn quặng sắt cho các đơn hàng đã ký hợp đồng. Song, bước sang đầu quý III/2015 các đơn vị gần như dừng lấy hàng, thậm chí đến nay nhiều DN liên tục có công văn đề nghị VTM giảm giá xuống 400.000 đồng/tấn, đây là sức ép lớn đang đè nặng lên vai VTM.
Nhằm duy trì sản xuất, VTM đã đưa ra nhiều giải pháp khắc phục khó khăn và ổn định đời sống người lao động. Dù có tiết kiệm, tiết giảm mọi chi phí, nâng cao năng suất lao động… cũng không mấy tác động khi cơ chế thị trường đều khó.
Cần cơ chế gỡ khó
Trong bối cảnh khó khăn kéo dài, để gỡ khó cho việc sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là nguồn tài chính để đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông…, đảm bảo việc vận chuyển quặng từ mỏ Quý Xa và ngược lại là yếu tố quan trọng hàng đầu và không thể tách rời đối với sản xuất của VTM trong thời điểm này. Do đó, VTM mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Lào Cai cho phép xuất khẩu quặng Quý Xa theo hợp đồng liên doanh. Đồng thời, có chính sách ưu đãi đặc thù, như: Điều chỉnh giảm các khoản thu so với các loại quặng sắt khác tại mỏ sắt Quý Xa, bởi độ ẩm quặng tại mỏ này rất cao. Không những vậy, mỏ sắt Quý Xa khai thác phần lớn phục vụ chế biến sâu trong nước, sản xuất phôi thép, đây chính là yếu tố tác động sâu rộng tới kinh tế trong nước.
Ngoài ra, VTM cũng mong muốn các cấp tạo điều kiện, cho phép giãn thời gian nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản năm 2015 lùi sang năm 2016, và không áp dụng các hình thức phạt nộp chậm theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Đồng thời, cho phép VTM nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo khối lượng quặng sắt thực tế khai thác từng năm.
Nguồn http://baocongthuong.com.vn (Kim Tuyến)